Trang thông tin TTYT huyện Đăk Glong

https://trungtamytedakglong.vn


Đắk Glong, giảm đáng kể tỷ lệ sinh con thứ ba

Đắk Glong, giảm đáng kể tỷ lệ sinh con thứ ba

Những năm gần đây, bằng việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đã có những chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ sinh con thứ ba đã giảm đáng kể theo từng năm.

Cán bộ dân số huyện Đắk Glong (phải) tư vấn người dân thực hiện các biện pháp tránh thai

Ngay từ sáng sớm, chị Lý Thị Cày ở xã Đắk Som đã vượt hàng chục cây số để kịp có mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk Glong làm phẫu thuật đình sản. Chị Cày chia sẻ, mặc dù mới 30 tuổi, nhưng chị đã có đến 4 đứa con. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên lần nào sau khi sinh một tháng, chị cũng đã phải nai lưng đi làm nương, nhổ sắn thuê, nên sức khỏe giảm đi rất nhiều. Sau khi sinh cháu thứ 4, thấm thía sự vất vả nhọc nhằn, lại được các cán bộ dân số kiên trì tư vấn, vận động, chị đã đồng ý đi đình sản.

Cùng thực hiện đình sản với chị Cày lần này còn có 9 chị em khác, trong đó có 5 chị ở độ tuổi 27-32. Chị Nguyễn Thị Thu ở xã Quảng Khê nói: Ở đây, phụ nữ sinh con thứ 3, thứ 4 nhiều lắm. Vợ chồng mình đã có 4  mặt con. Mình cũng uống thuốc tránh thai nhưng lúc nhớ, lúc quên, dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Được sự tư vấn của cán bộ dân số, mình quyết định làm phẫu thuật đình sản.

Theo chị Nguyễn Thị Nga, cộng tác viên dân số xã Quảng Khê thì vài năm trở lại đây, việc thông tin, tuyên truyền được thực hiện sâu rộng hơn với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Nhờ đó, nhận thức của người dân, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều chị em đã chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai.

Đơn cử như trường hợp gia đình chị Đào Thị Tuyết ở xã Quảng Khê, mặc dù đã có 2 con gái, nhưng vợ chồng chị vẫn quyết tâm không sinh thêm để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Chị Tuyết chia sẻ: Trước đây, vợ chồng tôi cũng nao núng vì một phần muốn có thêm con trai, một phần lại sợ sinh nhiều con thì không có điều kiện nuôi dạy tốt. Được một số chị em động viên, tư vấn kịp thời, tôi đã quyết tâm dừng lại ở hai con để tập trung thời gian phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho gia đình.  

Theo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn huyện có 648 trẻ được sinh ra; trong đó có 126 trẻ là con thứ 3 trở lên (chiếm 19,4%), so với năm 2015 đã giảm 3,38%. Tỷ lệ phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai chiếm hơn 73%.

Để có được kết quả trên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, những năm gần đây, với sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể, công tác tuyên truyền, vận động đã được mở rộng và đổi mới, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngoài tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề dân số, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, panô, áp phích..., nội dung DS-KHHGĐ còn được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng tại các địa bàn dân cư.

Bên cạnh đó, hàng năm Trung tâm còn tổ chức từ 1 đến 2 đợt chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ” tại các địa bàn có mức sinh cao như Quảng Hòa, Đắk Som, Đắk P’lao, Đắk R’măng và Quảng Khê. Thông qua chiến dịch, các chị em được tiếp cận tốt hơn với các thông tin, dịch vụ KHHGĐ. Việc trang bị, cung cấp đầy đủ, kịp thời các dịch vụ KHHGĐ cũng đã đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về các biện pháp tránh thai của chị em.

Bà Đặng Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, mặc dù tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn đã giảm theo từng năm, nhưng hiện vẫn đang ở mức cao. Tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết vẫn còn phổ biến. Trước thực trạng đó, huyện đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp; trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3, sinh con một bề, tiền hôn nhân... sẽ được duy trì và mở rộng. Đồng thời, việc cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản sẽ tiếp tục được tăng cường, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác giả: Vũ Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây