CẢNH GIÁC VỚI UY TÍN GIẢ - TẤM BÌNH PHONG “ CHUI SÂU, LEO CAO”
Uy tín là tiền đề và điều kiện bảo đảm chắc chắn cho sự thành công trong hoạt động thực tiễn của các tập thể, cá nhân nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng. Tuy nhiên, thực tế đã và đang xuất hiện loại uy tín giả rất nguy hại, nó ngấm ngầm phá vỡ mối đoàn kết nội bộ, che đậy bản chất và là bình phong để những kẻ cơ hội “chui sâu, leo cao”. Nhận diện những biểu hiện, thủ đoạn và có giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, đấu tranh với loại uy tín giả là điều cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng, nhất là trong xây dựng đội ngũ cán bộ của nhiệm kỳ mới hiện nay.
Quyền uy và “dân chủ giả hiệu”
Trong công tác lãnh đạo, quản lý, uy tín có vai trò rất lớn đối với hoạt động thực tiễn của người lãnh đạo. Người lãnh đạo có uy tín càng cao thì ảnh hưởng của người đó với tổ chức càng lớn, tính chất ám thị và thuyết phục đối với những người dưới quyền càng tăng lên. Nếu người lãnh đạo không có uy tín thì mọi lời nói và mệnh lệnh sẽ không được cấp dưới thực hiện một cách có hiệu quả. Lúc sinh thời, lãnh tụ Lênin cho rằng: Điều quyết định thành công trong việc lãnh đạo quần chúng không phải bởi sức mạnh của quyền hành mà là sức mạnh của uy tín, sức mạnh của nghị lực, của sự hiểu biết phong phú, của tài năng xuất sắc...
Nói một cách khái quát thì uy tín được hình thành từ 3 yếu tố chính: Phẩm chất, năng lực và phong cách của người lãnh đạo. Nó được thể hiện và đo lường ở “lòng dân”. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Người lãnh đạo chỉ có uy tín khi được dân tin, dân phục, dân yêu.
Trong thực tiễn hoạt động lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành hiện nay cho thấy, bên cạnh những cán bộ có uy tín đích thực còn có cán bộ cố tình tạo ra cho mình loại uy tín giả danh (giả hiệu). Loại uy tín này được xây dựng không dựa trên những phẩm chất, năng lực và giá trị xã hội đích thực của người lãnh đạo, quản lý mà được chủ thể tạo nên bằng nhiều thủ đoạn. Theo Đại tá, PGS TS Đỗ Duy Môn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học Quân sự, Học viện Chính trị thì uy tín giả biểu hiện rất phong phú với nhiều dạng khác nhau. Đó là:
Loại uy tín do hạ thấp yêu cầu hay là “mị dân”, “dân chủ giả hiệu”. Họ giả vờ tỏ ra quan tâm, gần gũi quần chúng, hạ thấp yêu cầu với cấp dưới để lôi kéo tình cảm, sự ủng hộ của cấp dưới theo mình.
Loại uy tín được tạo ra bởi “trấn áp” bằng quyền lực, độc đoán, gia trưởng, tạo khoảng cách đối với cấp dưới. Người lãnh đạo tìm cách phô trương sức mạnh quyền lực, đe dọa cấp dưới; tạo quyền uy, khoảng cách, che đậy bản chất thật.
Loại uy tín do phóng đại thành tích của mình, thổi phồng khuyết điểm người khác. Họ lẩn tránh khuyết điểm của bản thân, nhưng lại khoét sâu hoặc xuyên tạc khuyết điểm người khác; phóng đại thành tích để thông báo, tự ca ngợi mình; luôn đề cao cá nhân, coi mình là nhất...
Uy tín giả tìm mọi cách che mắt tập thể, che mắt cấp trên. Nhất là mỗi khi có sự kiện như: Chuẩn bị đại hội Đảng, làm quy trình nhân sự hay thay đổi đội ngũ cán bộ chủ chốt... Thời điểm này, những kẻ cơ hội tìm mọi cách ban phát những quyền lợi vật chất nhỏ bé, "thiết kế" các cuộc gặp gỡ "chén chú chén anh", cười cợt lừa phỉnh người nhẹ dạ để lôi kéo phe cánh, quần chúng, dùng phiếu bầu để hạ uy tín người khác; họ có thể thu mình, tránh va chạm, nịnh trên, vuốt ve dưới...
Uy tín giả và cuộc đấu tranh chống “địch bên trong”
Có thể thấy, uy tín giả rất nguy hại, nó tác động và làm suy yếu tổ chức, tập thể, làm méo mó động cơ phấn đấu của cá nhân. Nó ngấm ngầm phá vỡ mối đoàn kết trong tập thể; tạo ra môi trường, tâm lý không lành mạnh với sự ghen ghét, độ kỵ, nghi ngờ trong các thành viên và làm suy giảm hiệu quả công việc của tập thể. Đặc biệt, nếu tổ chức, tập thể không tỉnh táo, dũng cảm để nhận diện và đấu tranh thì uy tín giả sẽ trở thành bình phong để những kẻ cơ hội tiến thân, lọt qua các quy trình để “chui sâu, leo cao” vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn.
Uy tín giả gây tác hại khôn lường, nhưng nhận diện không hề đơn giản vì nó được che đậy tinh vi bằng nhiều thủ đoạn, nó nằm sâu trong động cơ, lợi ích cá nhân của một bộ phận cán bộ lãnh đạo. Phát hiện ra nó phải nhìn nhận từ phẩm chất, năng lực thật sự, đặc biệt là phong cách, phương pháp, tác phong công tác của cán bộ đó. Xem đạo đức, trình độ có tương xứng với cương vị, chức trách không, có độc đoán, gia trưởng hay mị dân, dân chủ giả hiệu không, có thổi phồng thành tích của mình không?...
PGS, TS Đỗ Duy Môn cho rằng, nguyên nhân tạo nên uy tín giả có cả khách quan và chủ quan. Đó là do công tác giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ chưa chặt chẽ, tinh thần dân chủ, tính đấu tranh phê bình, tự phê bình trong tập thể không cao hoặc bị vô hiệu hóa. Bản thân một số cán bộ không có phẩm chất, năng lực đáp ứng chức trách nhiệm vụ được giao, không có nhận thức đúng về uy tín, động cơ sai trái, nhằm mục đích cá nhân, không chịu tu dưỡng, rèn luyện... Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là chỉ chăm lo vun vén cho lợi ích riêng, đặt lợi ích của cá nhân, của gia đình mình lên trên lợi ích chung của giai cấp, của dân tộc, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”, nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tha hóa Ðảng. Người cũng khẳng định: Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng độc hại, tồn tại dai dẳng trong mỗi người cán bộ, đảng viên, luôn chờ cơ hội để trỗi dậy; là nguy cơ làm suy yếu Đảng, giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng. Người coi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ thù của những người cách mạng. Người nói: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra”, “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân”.
PHẢI TINH TƯỜNG, ĐỪNG “THẤY ĐỎ TƯỞNG LÀ CHÍN “
Đấu tranh chống lại các biểu hiện và thủ đoạn để tạo uy tín giả cũng là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, đòi hỏi phải có dũng khí, có phương pháp và kiên trì. Nó gắn liền với việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, gắn với việc tu dưỡng, rèn luyện đội ngũ... Trong xây dựng uy tín thật, đấu tranh với uy tín giả trong đội ngũ cán bộ hiện nay, cần quan tâm và thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp.
Trước hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có ý thức và quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, năng lực, hoàn thiện về nhân cách, xứng đáng với chức trách nhiệm vụ được giao. Muốn có uy tín, mỗi người phải tự học tập, tu dưỡng, tích lũy tri thức, kinh nghiệm, vốn sống, nâng cao năng lực mọi mặt để được đồng nghiệp, quần chúng thừa nhận, tin theo. Đồng thời và quan trọng hơn là đội ngũ cán bộ phải thường xuyên rèn luyện về đạo đức, lối sống cũng như sinh hoạt. Những vi phạm về đạo đức, lối sống bao giờ cũng là nguyên nhân chính, rất nhạy cảm làm giảm sút và mất uy tín của người cán bộ. Cùng với đó, quá trình gây dựng và nâng cao uy tín của người cán bộ cần tạo dựng cho mình một phong cách lãnh đạo, quản lý thích hợp, một phương pháp, tác phong công tác hiệu quả. Một mặt phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định, mặt khác phải linh hoạt, thích ứng, không rập khuôn, máy móc, với động cơ thật sự trong sáng vì tập thể, vì cái chung. Cần chống lại mọi biểu hiện như độc đoán, gia trưởng hay mị dân, bệnh công thần, háo danh...
Mặt khác, cần xác lập tốt các mối quan hệ và giao tiếp trong tập thể để hình thành lòng tin, sự tín nhiệm của cấp dưới với người lãnh đạo, quản lý. Nó đòi hỏi người cán bộ phải thật tâm, thật tình, thật tin tưởng khi quan hệ với dưới, được biểu hiện bằng sự quan tâm, chăm lo, ứng xử đúng mực với dưới. Là sự giản dị, khiêm nhường, không định kiến...
Một giải pháp rất căn cơ để xây dựng uy tín đích thực trong tập thể là phải tạo được bầu không khí dân chủ, đoàn kết, tinh thần phê bình và tự phê bình tích cực trong tập thể. Muốn có được điều đó cần quan tâm xây dựng tổ chức, tập thể vững mạnh; cán bộ chủ chốt phải gương mẫu, trách nhiệm; các thành viên đoàn kết, gắn bó.
Cùng với đó, phải kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, các thủ đoạn để tạo dựng uy tín giả. Nó đòi hỏi tổ chức, tập thể phải tinh tường và có dũng khí trong vạch trần các cá nhân có động cơ và việc làm sai trái. Các cá nhân này thường rất tinh vi để che đậy bản chất, đánh lừa tổ chức, tập thể vì mục đích vụ lợi, cá nhân. Trong chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã cảnh báo: Đừng “nhìn gà hóa cuốc”, “thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong"...
Uy tín giả làm xói mòn niềm tin của cấp dưới với cấp trên, nói rộng ra là của quần chúng với Đảng. Vì thế đấu tranh chống uy tín giả cũng chính là xây dựng niềm tin, “lòng dân” ở các tổ chức, tập thể, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay.
Theo QĐND