Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. (Ảnh: TTXVN)
Vấn đề dân chủ trong Đảng từ lâu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đề cập. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ trong đảng là quyền làm chủ của đảng viên trong tất cả các hoạt động của Đảng và "để làm cho đảng mạnh thì phải mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình" (1), thực hành dân chủ có tác dụng giải phóng tiềm năng, phát huy sức sáng tạo của nhân dân và trở thành động lực của sự tiến bộ, phát triển. Người yêu cầu mỗi đảng viên ở bất cứ địa vị nào cũng phải làm gương thực hành dân chủ. Đây là "cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn"(2), mọi công việc của Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Đảng phải xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ tức là thiểu số phải phục tùng đa số, hạ cấp phải phục tùng thượng cấp, bộ phận phải phục tùng toàn thể. Tập trung luôn phải đi đôi với mở rộng dân chủ vì dân chủ làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến; có sáng kiến mà được khen ngợi sẽ hăng hái làm việc, khuyết điểm nhỏ cũng tự sửa chữa được ít nhiều và "có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên"(3).
Trong cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nước ta, Nhân Dân luôn ở vị trí tối thượng của quyền lực nhà nước và xã hội. Những vấn đề quan trọng này được Đảng ta đưa ra lấy ý kiến của Nhân Dân nhằm thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Dân chủ luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong nội dung lãnh đạo của Đảng, hợp thành giá trị quy định bản chất của chế độ chính trị nước ta.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.
Một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ Đại hội XI là việc thực hành dân chủ trong Đảng đã có những bước tiến vượt bậc. Lần đầu tiên, Đảng tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và việc thực hiện chất vấn trong Đảng là những minh chứng cho thấy Đảng đang nỗ lực rất lớn để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng - một tiền đề quan trọng để thực hành dân chủ rộng rãi trong xã hội.
Nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng (Điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011) cũng đã ghi rõ: “Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình”.
Trong những năm qua, việc Đảng ta cho công khai những kết luận tại các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cho thấy đây không chỉ là công việc nội bộ của Đảng mà đó cũng là những việc mà Nhân Dân cả nước đang hướng về. Những kết quả cụ thể về việc thực hiện kỷ luật cán bộ có vi phạm khuyết điểm cũng được công khai đã tạo được niềm tin, hy vọng vào sự công minh, liêm chính của Đảng ta.
Tại một số kỳ họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã được tuyên truyền rộng rãi những kết luận, quyết định tại kỳ họp càng thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta.
Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, một lần nữa, Nhân Dân lại được lắng nghe những ý kiến thảo luận của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng bàn về những việc trọng đại của đất nước, của công tác xây dựng Đảng cho thấy tính công khai, dân chủ trong Đảng ngày càng mở rộng hơn và nhận được sự đồng tình, đón đợi của Nhân Dân cả nước. Mỗi đề án trình Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý của các đồng chí Ủy viên Trung ương, đồng thời cũng có nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí chuyên gia, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tỉnh ủy, thành ủy trước Hội nghị đã cho thấy quá trình chuẩn bị ban hành một nghị quyết có sự bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch và kỹ lưỡng. Sau khi thảo luận, Trung ương đã nhất trí biểu quyết thông qua các đề án nhằm thống nhất nội dung, ý chí và hành động thực hiện Nghị quyết.
Việc nhận thức và thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng Đảng có ý nghĩa quan trọng, phát huy dân chủ, thống nhất ý chí và hành động, làm cho Đảng ngày càng lớn mạnh. Và thực tế cho thấy, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng không chỉ là yêu cầu nội tại của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mà còn là quy chế bắt buộc để xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất trong Đảng; khắc phục bệnh độc đoán, chuyên quyền; bảo đảm tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân./.
(1), (2), (3): Hồ Chí Minh toàn tập (2002), NXB Chính trị Quốc gia, HN, tập 5, từ tr.240 đến 296
Tác giả: Hoa Hiền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn