Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Ban chấp hành TƯ ký Nghị quyết 26, TƯ 7 khóa 12 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nghị quyết nhận định, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 3 khóa 8 về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu. Công tác cán bộ ngày càng đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng.
“Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh một số tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch một bước đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”, Nghị quyết nêu rõ.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Theo đánh giá của TƯ, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ thời gian qua là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
Nghị quyết 26 đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại.
VIDEO: Ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ chức TƯ trả lời VietNamNet về xây dựng cán bộ cấp chiến lược:
Về mục tiêu cụ thể, Nghị quyết chia làm 3 giai đoạn rõ ràng.
Giai đoạn đến năm 2020, Nghị quyết đề ra 4 mục tiêu cụ thể, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương…
Đến năm 2025, tập trung vào 3 việc như tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
Đến năm 2030 tập trung vào 2 việc: Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.
Cán bộ cấp chiến lược phải có trên 15% dưới 45 tuổi; từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở TƯ: Từ 20 - 25% dưới 40 tuổi; 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: 15 - 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi, 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 20 - 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi.
Cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác.
Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an: từ 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Số cán bộ khoa học đạt ít nhất 11 người trên 1 vạn dân.
Cán bộ quản lý DNNN: 70 - 80% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%; tỉ lệ nữ ĐBQH, HĐND các cấp đạt trên 35%.
Để thực hiện được những mục tiêu này, Nghị quyết đưa ra 8 nhiệm vụ, giải pháp nhấn mạnh đến việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, trong đó có việc ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả những tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ.
Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ như thực hiện bí thư tỉnh, huyện không là người địa phương theo mục tiêu đề ra; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chức danh chủ tịch UBND, nếu có điều kiện; quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Đổi mới công tác ứng cử, bầu cử, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ như bầu trực tiếp bí thư tại đại hội đảng bộ các cấp ở những nơi có điều kiện; bầu cử có số dư.
Nghị quyết cũng mạnh dạn đưa ra cơ chế, người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ theo một quy trình nhất định, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch...
Đồng thời, hoàn thiện các quy định, quy chế để kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời những người năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đủ sức khỏe, có sai phạm, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, trong đó, phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có "sản phẩm" cụ thể, có triển vọng phát triển.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng lưu ý, định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch nhân sự Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội cho các nhiệm kỳ.
“Tập trung xây dựng Ban chấp hành TƯ theo hướng nâng cao chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt. Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng "hình ảnh" các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, Nghị quyết nêu rõ.
Việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền thực hiện theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.
Cùng với đó là công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc coi chạy chức, chạy quyền là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ và hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền.
Nhiệm vụ cuối cùng được nghị quyết đưa ra là công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc.
Ban Thời sự - Ảnh: TTXVN, VGP
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn