Kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên là công việc hệ trọng có quan hệ đến sự tồn vong của chế độ, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, bằng nhiều biện pháp, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Bảo đảm cho quyền lực không bị tha hóa, nhưng cũng không trói buộc quyền lực, gây khó khăn, cản trở việc thực thi công vụ, góp phần xây dựng Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.Trao bằng khen cho các Gương sáng đảng viên năm 2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh - Nguồn: thanhnien.vn Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên được giao nhiều quyền lực(1) để làm việc cho dân. Nhưng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xuất hiện nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan làm cho quyền lực của cán bộ, đảng viên rất dễ bị tha hóa(2), trong đó một phần không nhỏ là do thiếu kiểm soát.Một thực tế là quyền lực được nhân dân kiểm soát đến đâu thì góp phần bảo đảm dân chủ đến đó. Trong các hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa, quyền lực không được nhân dân kiểm soát. Nó được giai cấp thống trị thâu tóm để phục vụ cho lợi ích của chính mình, quyền của vua lớn đến nỗi quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, xã hội bất công đến mức quan xử theo lễ, dân xử theo hình.
Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi quyền lực đều thuộc nhân dân và được thực thi thông qua hệ thống chính trị, đặt dưới sự kiểm soát của nhân dân nhằm bảo đảm quyền lực đó hoàn toàn phục vụ lợi ích của nhân dân, sự tha hóa quyền lực là cái tàn dư tệ hại, xa lạ với bản chất xã hội ta, cần phải ngăn chặn, đầy lùi.Việc kiểm soát quyền lực cũng giống như bộ não kiểm soát hành vi, đòi hỏi phải thường xuyên, toàn diện và chặt chẽ, thiếu kiểm soát quyền lực thì rất dễ sinh ra những tên “cường hào” mới, hách dịch, cửa quyền, quan liêu, kiêu binh, lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, tiêu cực, “quan quyền” lên ngôi, dân quyền thoái vị, “tà quyền” lấn át chính quyền... làm cho dân trở thành nạn nhân của quyền lực, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước(3) một phần cũng là do thiếu sự kiểm soát quyền lực mà ra.
Muốn quyền lực không bị tha hóa, làm cho nó duy nhất chỉ vì lợi ích của dân, vì sự phát triển của đất nước và sự bền vững của chế độ thì phải có những cơ chế vừa chặt chẽ, vừa chắc chắn để kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền(4), có thể xét đến những cơ chế sau:
Trước hết là tự thân cán bộ, đảng viên phải tự giác kiểm soát chính mình; cầu thị lắng nghe, chân thành tiếp thu, nghiêm túc sửa chữa, khắc phục sai lầm, khuyết điểm; đã nói phải làm, đã làm phải xong; tự mình phải biết nêu gương và soi gương; tự trọng và giữ gìn liêm sỉ, đề cao lương tâm và trách nhiệm trước Đảng, trước dân; phải thường xuyên tự xét mình xem có trong sạch không, soi vào người khác để xem có xứng đáng không, nhìn vào việc làm để thấy năng lực mình cao hay thấp, chiếu vào quy định để biết mình là đúng hay sai; phải biết xấu hổ khi có khuyết điểm; cấp trên phải sâu sát, gương mẫu, thường xuyên giáo dục, quán triệt nghiêm túc, kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, phê bình, góp ý xây dựng, chấn chỉnh, xử lý vi phạm công bằng, nghiêm minh...; cấp dưới đối với cấp trên phải mạnh dạn phê bình, góp ý, can gián, bỏ phiếu tín nhiệm, đề nghị, phản ánh... cùng cấp với nhau phải chân thành góp ý, trung thực phê bình, hăng hái thi đua... tạo thành cơ chế tự kiểm soát ngay từ trong nội bộ.
Hai là, phải đổi mới cách thức tự phê bình và phê bình, vì làm tốt công tác này thì khuyết điểm càng ít, ưu điểm càng nhiều; nhưng hiện nay việc phê bình vẫn còn nhiều hạn chế, phổ biến là “yêu thì xấu cũng thành tốt, ghét thì tốt lại thành xấu”, “đấu tranh thì tránh đâu”; còn tự phê bình thì vẫn còn thiếu trung thực, chưa tự giác, “dại gì vạch áo cho người xem lưng”, “chả ai tự lấy đá ghè vào chân mình” cho nên hiệu quả chưa cao, có lẽ vì chưa có cách hữu hiệu nhất để khắc phục những biểu hiện trên; phải chăng, cần kết hợp nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp, giữa mở và đóng, rộng và hẹp, bên trong và bên ngoài, giữa vai trò của người phê bình và trách nhiệm của người bị phê bình, giữa tự giác và bắt buộc, giữa “tiên lễ, hậu binh”... làm cho người có lỗi không thể không nhận lỗi.
Ảnh: Tổng kết và khen thưởng của Đảng bộ BVĐK năm 2017
Ba là, có cơ chế công khai mọi việc (trừ bí mật theo quy định); càng công khai càng dễ kiểm soát; đã công khai thì khuyết điểm lòi ra hết; càng dấu diếm khuyết điểm thì càng lắm nghi ngờ, kẻ địch dễ xuyên tạc, khuyết điểm sẽ ngày càng to, niềm tin ngày càng giảm; đề cao vai trò của truyền thông, báo chí, văn hóa - nghệ thuật, giáo dục, tuyên truyền; mọi việc phải để dân biết, chú ý mà nghe dân bàn, mở cửa để dân kiểm tra; định kỳ thông báo cho dân biết tình hình, kết quả, tiến độ thực hiện chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án, dự án... đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế; cần quy định cụ thể về nội dung, phạm vi, đối tượng, thời gian, địa điểm, hình thức công khai, trách nhiệm của người công khai, xử lý vi phạm... có cơ chế thực hiện việc trưng cầu dân ý; quy định việc gì thì biểu quyết công khai, việc gì thì biểu quyết phiếu kín, không để việc cần phải lấy phiếu kín thì lại biểu quyết công khai, bỏ phiếu nhưng không kín, để áp đặt ngầm đối với người bỏ phiếu.
Bốn là, đổi mới công tác cán bộ, tuyển dụng, bổ nhiệm, bầu cử phải qua thi cử, tranh cử trong phạm vi phù hợp với chức vụ; có cơ chế tuyển chọn, trọng dụng hiền tài để họ say mê làm việc, hết lòng cống hiến; trước khi bổ nhiệm, tuyển dụng, bầu cử phải có cơ quan độc lập khảo sát, đánh giá thành tích, ưu điểm, khuyết điểm của người đó, chứ không chỉ dựa vào bản tự nhận xét một chiều của họ; phải giải thích thấu đáo những quyết định trong công tác cán bộ trước tập thể; giao quyền, phân công, phân cấp quyền lực phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế cam kết và thực hiện cam kết, thực hiện không đúng cam kết, hứa mà làm không xong thì tự nhận hình thức xử lý theo quy định, nếu thiếu tự trọng thì xử lý tăng nặng.
Năm là, hoàn thiện hệ thống quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước bảo đảm thống nhất chặt chẽ, đặc biệt là những quy định trong công tác cán bộ, quản lý điều hành kinh tế, phân bổ sử dụng tài nguyên; hạn chế những quy định co dãn như “trừ trường hợp đặc biệt”, “nếu xét thấy cần thiết”... để không thể hiểu nhầm hay suy diễn chủ quan mà áp dụng theo cảm tính vì lợi ích cá nhân; nghiên cứu ban hành luật kiểm soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở pháp lý để thực hiện việc kiểm soát quyền lực; sớm hoàn thiện và kiên quyết thực hiện quy định người đứng đầu, người có quyền quyết định công tác cán bộ không phải là người địa phương và có ít quan hệ gia đình nơi công tác để họ chỉ dùng người tài chứ không chỉ dùng người nhà.
Sáu là, tiếp tục cải cách hành chính, cải cách tư pháp; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hợp nhất một số đơn vị hành chính, vì hiện nay nước ta có số lượng đơn vị hành chính cao hơn mức cần thiết so với quy mô dân số và diện tích tự nhiên (so với các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... thì cao hơn nhiều); không thể chấp nhận bộ máy, đội ngũ cồng kềnh, dư thừa, lãng phí, kém hiệu quả; phải xóa bỏ tư duy cai trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; bỏ hết cơ chế xin - cho, duyệt - cấp, không để hình thành “nhóm lợi ích” hay tồn tại “cửa sau, ngõ tắt”; làm sạch cơ quan chính quyền để xây dựng Nhà nước kiến tạo, liêm chính, phục vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm mọi sai phạm; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong bộ máy chính quyền theo hướng con người làm chủ máy móc, chỉ làm những việc mà máy móc không thay thế được.
Bảy là, tăng cường mạnh mẽ vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, vì thực tế cho thấy, thời gian qua công tác này đã phát huy hiệu quả to lớn trong phòng, chống, xử lý tham nhũng, lãng phí, sai phạm; xây dựng cơ chế để các cơ quan này hoạt động độc lập, không bị sức ép từ bất kỳ cá nhân, tổ chức nào, chỉ chịu sự lãnh đạo từ Trung ương; tăng cường kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; quy định cán bộ, đảng viên sau đó là toàn dân phải thực hiện các giao dịch kinh tế lớn qua hệ thống ngân hàng, trước khi giao dịch phải chứng minh tính hợp pháp của tài sản bằng hồ sơ, chứng từ nhằm kiểm soát mọi dịch chuyển tài sản, làm cho tài sản bất chính không bị tẩu tán, biến hình; có chính sách tiền lương, tiền thưởng hậu đãi để cán bộ làm công tác này tận tâm làm việc, hết lòng cống hiến, vật chất không thể mua chuộc; động viên, tôn vinh, bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để để họ không cô độc, có thể trích một phần đáng kể tài sản truy thu được từ tham nhũng để thưởng cho họ.
Tám là, phản biện xã hội cũng cần phải sớm có quy định cụ thể về nội dung, hình thức, địa điểm, chủ thể, đối tượng, quyền, nghĩa vụ của người phản biện, trách nhiệm của người được phản biện; làm cho phản biện đến nơi, trả lời đến chốn; giải thích phải thấu tình, đạt lý để dân tích cực tham gia phản biện; không để xảy ra tâm lý sợ phản biện; coi phản biện là thể hiện mối quan hệ biện chứng gắn bó máu thịt giữa nhân dân và chính quyền, vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của dân, vừa góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối không để phản biện biến thành phản động.
Chín là, phải có cơ chế để thực hiện đầy đủ dân chủ, dân là chủ thể tối cao và duy nhất của mọi quyền lực, được toàn quyền kiểm soát tất cả quyền lực công; phải làm cho dân giỏi kiểm soát quyền lực; dân có thể chọn người hiền để giao quyền và ngược lại nếu Chính phủ làm hại dân, thì dân có quyền đuổi Chính phủ(5); Đảng và Nhà nước phải tạo điều kiện tốt nhất để dân trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát, biểu quyết, cho ý kiến, hoặc thông qua đại biểu của mình trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cơ quan công luận, phương tiện thông tin đại chúng để tham gia tích cực vào các vấn đề trọng đại của đất nước, phản ánh, tố cáo, tố giác, khiếu nại những vấn đề tiêu cực; trực tiếp gặp mặt cán bộ, đảng viên để góp ý, phản biện, đề nghị, yêu cầu, chất vấn, truy vấn... buộc cán bộ, đảng viên phải thực thi quyền lực đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân./.
Nguồn: Báo mới.com
-----------------------------------------------------(1) Quyền lực là cái sức có thể dùng để bắt người ta phải theo mình, xem Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 1626
(2) Biến chất, trở nên xấu đi, xem Từ điển tiếng Việt, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005, tr. 1.077
(3), (4) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 60