Cơ chế để phát huy nghĩa vụ, trách nhiệm tự giác, nêu gương của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hành đạo đức hiện nay

Thứ năm - 31/05/2018 10:44
Cơ chế để phát huy nghĩa vụ, trách nhiệm tự giác, nêu gương của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hành đạo đức hiện nay
Cơ chế để phát huy nghĩa vụ, trách nhiệm tự giác, nêu gương của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hành đạo đức hiện nay
TCCS - Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng về công tác xây dựng Đảng là xây dựng Đảng về đạo đức. Để xây dựng Đảng về đạo đức, trước hết phải xây dựng được việc thực hành đạo đức trong tổ chức đảng và đảng viên. Để làm rõ vấn đề này, bài viết đề cập đến vấn đề xây dựng cơ chế để phát huy nghĩa vụ, trách nhiệm tự giác, nêu gương của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hành đạo đức.

Ảnh minh họa - Nguồn: infonet.vn

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận; có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội. Đạo đức được thể hiện qua thái độ ứng xử trong các mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, với tự nhiên, xã hội và với chính mình theo các nguyên tắc lương tâm, trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ, quyền lợi... mà cá nhân tự giác nhận thức và thực hiện.

Đạo đức là một phạm trù lịch sử, là kết quả của quá trình phát triển loài người; thuộc kiến trúc thượng tầng xã hội và chịu sự quy định bởi cơ sở hạ tầng xã hội. Trong xã hội có giai cấp, đạo đức mang tính giai cấp và chuẩn mực đạo đức của giai cấp thống trị xã hội; tuy vậy, có nhiều chuẩn mực, giá trị đạo đức, như nhân đạo, sự vị tha, lòng dũng cảm... có ý nghĩa toàn nhân loại và là chuẩn mực trong các xã hội khác nhau.

Do đạo đức bắt nguồn từ ý thức của cá nhân nên đạo đức thường tỷ lệ thuận với trình độ học vấn, trình độ nhận thức của mỗi cá nhân. Tuy vậy, không phải cứ có trình độ học vấn cao là có trình độ văn hóa, đạo đức cao và ngược lại; bởi sự khác biệt và có khoảng cách giữa ý thức đạo đức và hành vi đạo đức, giữa nhận thức và hành động của mỗi cá nhân; về cơ bản, trong mỗi cá nhân, ý thức đạo đức và hành vi đạo đức thống nhất với nhau, song do hoạt động xã hội của cá nhân phụ thuộc nhiều vào những mối quan hệ lợi ích, nhất là trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường nên có nhiều trường hợp hành vi đạo đức khác biệt với ý thức đạo đức và ý thức đạo đức đúng nhưng hành vi đạo đức vẫn sai.

Vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội

Đạo đức với những chuẩn mực giá trị có tác dụng chi phối đời sống tinh thần của xã hội; đạo đức là một bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội. Đạo đức góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội. Sự suy thoái của đạo đức, sự “xuống cấp đạo đức” trong mỗi cá nhân và toàn xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội.

Những chuẩn mực đạo đức được tập thể, cộng đồng, xã hội thừa nhận có tác động đến ý thức và hành vi đạo đức của mỗi cá nhân. Cộng đồng xã hội bằng các hình thức giáo dục (giáo dục trong gia đình, dòng họ, nhà trường, tổ chức, xã hội, phương tiện thông tin đại chúng...) để giáo dục các thành viên trong xã hội; mỗi cá nhân vì vậy cũng phải tự nhận thức, tự giáo dục, rèn luyện, hoàn thiện nhân cách của mình theo chuẩn mực chung của xã hội. Khi tổ chức, cá nhân giáo dục, nhận xét, đánh giá hành vi đạo đức của người khác thì bản thân người nhận xét, đánh giá cũng tự điều chỉnh mình; qua đó, chuẩn mực chung của xã hội ngày càng hoàn chỉnh.

Các nguyên tắc, chuẩn mực và định hướng giá trị đạo đức, cùng với sự kiểm tra, đánh giá của toàn xã hội có tác dụng điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân; mỗi cá nhân cũng tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu chung của cộng đồng; những chuẩn mực được cộng đồng và toàn xã hội thừa nhận cùng với hệ thống pháp luật và những quy định khác là công cụ quan trọng để điều chỉnh hành vi đạo đức của cá nhân và cả cộng đồng. Trong mối quan hệ giữa người với người, quan niệm và hành vi đạo đức của người này có tác động đến quan niệm và hành vi đạo đức của người khác và ngược lại. Đạo đức xã hội còn phản ánh sự tồn tại những mâu thuẫn trong xã hội; trong chừng mực nhất định, hành vi đạo đức của mỗi cá nhân, nhóm xã hội phụ thuộc vào lợi ích của họ; do vậy, thực chất đạo đức cũng là bức tranh phản ánh tình trạng phân phối lợi ích trong xã hội. Quan hệ đạo đức của mỗi cá nhân trong xã hội, ngoài thể hiện ý thức đạo đức của họ, còn phản ánh quan hệ lợi ích giữa họ với nhau và với toàn xã hội. Sự phê phán của xã hội về những hành vi đạo đức của mỗi cá nhân thể hiện mối quan hệ xã hội hiện thực.

Thực hành đạo đức của tổ chức đảng và đảng viên

Việc thực hành đạo đức của tổ chức đảng và đảng viên chính là việc tổ chức đảng và đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình với tinh thần trách nhiệm cao, hiệu quả và gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đối với tổ chức đảng

Thực hành đạo đức của tổ chức đảng chính là: Gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh, xây dựng, giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan “trong sáng, gương mẫu, tinh thông”; Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ; Có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược; tích cực cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành để đạt được hiệu quả công tác cao; Đề cao phương châm tất cả vì phục vụ đất nước và vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Đối với đảng viên

Thực hành đạo đức của đảng viên chính là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, với Tổ quốc; Chấp hành nghiêm các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, vì nhân dân phục vụ; Đề cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; Gương mẫu, tận tụy, chủ động, sáng tạo, kiên trì, bền bỉ; Có phong cách làm việc khoa học, nhân văn, trung thực, khách quan, công tâm, sâu sát cơ sở, nói đi đôi với làm; Luôn phấn đấu, học tập, rèn luyện nghiệp vụ tinh thông, có đạo đức, lối sống lành mạnh, liêm chính, trong sáng, khiêm tốn, cầu thị; Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái, chủ nghĩa cá nhân, bè phái, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cơ chế để phát huy nghĩa vụ, trách nhiệm tự giác nêu gương của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hành đạo đức hiện nay

Để phát huy nghĩa vụ, trách nhiệm tự giác, nêu gương của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hành đạo đức, cần thực hiện tốt những công tác sau:

Một là, phải thường xuyên coi trọng và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng để trước hết làm cho các tổ chức đảng và đảng viên phải kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của cách mạng, xuất phát từ mục tiêu cao quý của Đảng để hy sinh, phấn đấu; phải nhận thức rõ, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc, của nhân dân; Đảng phấn đấu không ngừng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân “Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Đồng thời, giáo dục chính trị tư tưởng để cho các tổ chức đảng và mỗi đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ, trong thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, cũng như trách nhiệm với bản thân, với tổ chức, với xã hội và với nhân dân; thực sự gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tự giác nêu gương trước quần chúng nhân dân để nhân dân tin yêu và noi theo.

Để làm tốt công tác này, cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, khắc phục tình trạng ngại học nghị quyết, lười học lý luận chính trị. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên thông qua sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt chuyên đề và các phong trào thi đua. Đặc biệt là phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách. Có chế tài xử lý đủ mạnh và phải kiên quyết xử lý thích đáng đối với các hành vi vi phạm kỷ cương, kỷ luật, nhất là đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Kết hợp với việc thực hiện chính sách cán bộ, nhất là chính sách tiền lương, nhà ở một cách khoa học, hợp lý để cán bộ, công chức, người lao động, trong đó có đảng viên bảo đảm các điều cần thiết cho việc thực hiện chức trách nhiệm vụ và bảo đảm những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống. Kiên định và sớm hoàn thiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức và mỗi người dân sống và làm việc theo pháp luật; qua đó, nghĩa vụ của từng cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được xác định rõ nên tính tự giác và ý thức trách nhiệm được nâng cao.

Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm khắc phục những kẽ hở trong cơ chế, chính sách, làm cho mọi người khó hoặc không thể lợi dụng để trục lợi. Kiên quyết và xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với những vi phạm nhằm cảnh báo, răn đe, làm cho đối tượng không dám tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, vi phạm pháp luật. Thực hiện chính sách cán bộ khoa học, hợp lý sẽ làm cho mọi người thấy không cần phải tham nhũng, tiêu cực..., hướng tới thực hiện phương châm “không thể tham nhũng, không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng”.

Ba là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và đảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; về lập trường tư tưởng chính trị; về ý thức phục vụ nhân dân thông qua những việc làm cụ thể đối với nhân dân, những biểu hiện vô cảm, quan liêu, mệnh lệnh, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân; về tình thương yêu, đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, hợp tác quốc tế; chống chia rẽ, cục bộ, địa phương, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; về ý thức thực hành tiết kiệm, đức tính khiêm tốn, lòng dũng cảm và thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chống phô trương hình thức, chống tham nhũng, lãng phí, dối trá, hối lộ, bê tha, trụy lạc, nói không đi đôi với làm, chạy chức, chạy quyền, lạm dụng quyền lực, lợi ích nhóm; về trách nhiệm tự giác, nêu gương, gương mẫu, nhất là đối với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu; về thực hiện tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu theo cam kết; về thực hiện các chuẩn mực đạo đức lối sống, đạo đức nghề nghiệp và vận động người thân trong gia đình chấp hành chính sách, pháp luật, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống.

Việc thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên là một giải pháp quan trọng để làm cho tổ chức đảng và đảng viên tự giác, trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong việc nêu gương, gương mẫu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý đối với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong các tổ chức đảng và đảng viên.

Bốn là, phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Các cấp ủy, chính quyền phải nhận thức sâu sắc, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Thực hiện nghiêm Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013, của Bộ Chính trị, Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường công tác dân vận, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát. Xây dựng quy định và thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân và xử lý nghiêm đối với những tổ chức đảng và đảng viên có chỉ số hài lòng thấp.

Cùng với việc xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, việc xây dựng Đảng về đạo đức đóng vai trò vô cùng quan trọng, không thể thiếu được và là đòi hỏi tất yếu trong công cuộc đổi mới của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng Đảng về đạo đức chính là làm cho từng tổ chức đảng, từng đảng viên phải thực hành đạo đức trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ của đảng viên. Để làm tốt yêu cầu này, phải tập trung xây dựng và thực hiện cơ chế phát huy nghĩa vụ, trách nhiệm tự giác, nêu gương của tổ chức đảng và đảng viên trong thực hành đạo đức./.

Tác giả: Nguyễn Văn ĐịnhThS, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

Lịch trực Dịp tết Dương lịch năm 2021

Lịch trực Dịp tết Dương lịch năm 2021

Thời gian đăng: 30/12/2020

thông báo về DMKT thực hiện tại TTYT Đắk Glong

thông báo về DMKT thực hiện tại TTYT Đắk Glong

Thời gian đăng: 20/10/2020

THÔNG BÁO VIỆC NHẬN ĐẶT LỊCH KHÁM QUA ĐIỆN THOẠI

THÔNG BÁO VIỆC NHẬN ĐẶT LỊCH KHÁM QUA ĐIỆN THOẠI

Thời gian đăng: 17/12/2020

Số 223/QĐ-TTYT Quyết định V/v sử dụn

Số 223/QĐ-TTYT Quyết định V/v sử dụng Thùng xông hơi chân bằng máy

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 82/TB-TTYT Thông báo V/v Sử dụng

Số 82/TB-TTYT Thông báo V/v Sử dụng xông hơi chân

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 297/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đán

Số 297/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá công tác cải tiến chất lượng 09 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 30/09/2019

163/BC-TTYT

Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá công tác cải tiến chất lượng 06 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 04/07/2019

Số 163/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đán

Số 163/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá công tác cải tiến chất lượng 06 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 3385/BYT-KH-TC

Số 3385/BYT-KH-TC về việc thanh toán chi phí KBCB BHYT theo giá dịch vụ y tế

Thời gian đăng: 05/07/2019

Số 09/2019/TT-BYT

Số 09/2019/TT-BYT Thông tư hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thời gian đăng: 05/07/2019

Thống kê
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm65
  • Hôm nay890
  • Tháng hiện tại39,602
  • Tổng lượt truy cập1,582,612
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây