Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong công cuộc đổi mới đất nước

Thứ năm - 31/05/2018 10:52
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong công cuộc đổi mới đất nước
Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong công cuộc đổi mới đất nước
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người và phát huy nhân tố con người là một hệ thống quan điểm toàn diện, phong phú và sâu sắc, chiếm vị trí trung tâm trong toàn bộ tư tưởng của Người. Bởi mục đích cao cả và cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người. Đây là sự kế thừa, phát triển sáng tạo tư tưởng về con người trong kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại nói chung và chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc

Đối với Hồ Chí Minh, con người vừa tồn tại với tư cách cá nhân, vừa là thành viên của gia đình và của cộng đồng, có cuộc sống tập thể và cuộc sống cá nhân hài hòa, phong phú. Người đã nêu một định nghĩa về con người: "Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người". Quan điểm đó thể hiện ở chỗ, Người chưa bao giờ nhìn nhận con người một cách chung chung, trừu tượng.

Khi bàn về chính sách xã hội, cũng như ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh, Người luôn quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của con người với tư cách nhu cầu chính đáng. Đem lại lợi ích cho con người chính là tạo ra động lực vô cùng lớn lao cho sự nghiệp chung. Người không dùng khái niệm “nhân tố con người” mà thường dùng các cụm từ như “sức dân”, “sức người”,… thực chất là Người luôn đề cao vai trò của nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân là vốn quý nhất, có dân là có tất cả”, “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, nhân tố con người là nguồn lực quan trọng nhất, nguồn lực của mọi nguồn lực. Chính vì vậy mà mở đầu Tuyên ngôn độc lập (ngày 2/9/1945), Người đã viết: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Không phải ngẫu nhiên mà khi mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại câu mở đầu trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và trích câu trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789, bởi Người muốn khẳng định nhân dân Việt Nam hoàn toàn tán đồng và có chung ý tưởng với nhân loại về quyền bình đẳng, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người; và lẽ dĩ nhiên, nhân dân Việt Nam cũng có những quyền đó như nhân dân Mỹ và nhân dân Pháp. Từ đó, Người chứng minh rõ việc các thế lực đế quốc xâm lược, áp bức bóc lột dân tộc Việt Nam là trái với lẽ tự nhiên, là vi phạm trắng trợn quyền con người mà cách mạng tư sản Mỹ và cách mạng Pháp đã công nhận.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng đời sống mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội đều bắt đầu từ con người, từ việc phát huy nhân tố con người. Ngày 10/1/1946, tại cuộc họp của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch hóa kiến quốc, Hồ Chí Minh yêu cầu làm ngay: “Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để cho dân tin, dân theo, dân ủng hộ, để nhân tố con người được phát huy thì phải quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, quyền lợi của con người phải được bảo vệ và ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật; nhưng điều cơ bản theo Hồ Chí Minh là phải hiện thực hóa nó qua những cuộc vận động, các phong trào cách mạng để đảm bảo quyền dân chủ.

Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát huy nhân tố con người trong công cuộc đổi mới đất nước

Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi nguồn lực con người là “nguồn lực của mọi nguồn lực”, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất quyết định thành công của công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay. Khẳng định vai trò của con người, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, trong bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách để khơi dậy và phát huy sức mạnh to lớn đó và nhờ đó mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ý chí và nghị lực của con người Việt Nam chúng ta đã giành được độc lập, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta đã chú trọng: “Phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, hướng sự sáng tạo đó vào sự nghiệp xây dựng xã hội mới” và chăm lo bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người, trên cơ sở bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; phát huy mọi tiềm năng thế mạnh của con người để vừa tập trung cao cho phát triển kinh tế, vừa tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo cơ sở nền tảng vững chắc bảo vệ thành quả của cách mạng trong điều kiện mới.

Từ Đại hội lần thứ VII của Đảng (năm 1991) đến nay, vấn đề phát huy nhân tố con người trở thành một trong những tư tưởng chỉ đạo có tính nhất quán của Đảng ta. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ, khóa VII (năm 1994) Đảng ta khẳng định: “tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực văn hóa - xã hội là chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thức VIII (6/1996) của Đảng, chỉ rõ: “Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Con người thực sự là nguồn lực của mọi nguồn lực, tài nguyên của mọi tài nguyên, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”.

Đại hội lần thứ IX lại tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh, “mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội”. Quan điểm này một lần nữa được Đảng ta nhấn mạnh tại Đại hội lần thứ XI: “Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững”.

Tại Đại hội lần thứ XII Đảng ta khẳng định: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. vấn đề “phát triển con người toàn diện” được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016 - 2020 và “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”.

Những văn kiện quan trọng trên thể hiện một bước tiến trong nhận thức của Đảng sau hơn 30 năm đổi mới, khẳng định và nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của việc phát huy nhân tố con người, phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước ta hiện nay.

Một số giải pháp phát huy nhân tố con người trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội, sẽ tạo điều kiện phát huy nhân tố con người; trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Huy động mọi nguồn lực để tạo bước đột phá trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, chăm lo đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội. Ưu tiên nguồn lực để tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn chiến lược để giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng.

Hai là, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo - tiền đề phát huy tốt nhân tố con người.

Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển đất nước, muốn phát triển xã hội phải chăm lo phát triển nhân tố con người cả về thể chất, tinh thần và giáo dục là một trong những thành tố quan trọng nhất để phát triển con người, là động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệpcông nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, một nền giáo dục phát triển sẽ là điều kiện phát huy nguồn nhân lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Triết lý giáo dục hiện đại nêu ra 4 trụ cột: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người. Triết lý này cho thấy, mục đích của giáo dục, một mặt là nâng cao trình độ nhận thức, mặt khác nhằm rèn luyện kỹ năng, hoàn thiện nhân cách cho đối tượng được giáo dục. Khi chúng ta nói đến vấn đề phát huy nhân tố con người cũng có nghĩa là chúng ta nói đến phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của con người trong nhận thức và hành động. Muốn phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của con người trong nhận thức và hành động thì phát triển giáo dục - đào tạo phải là một trong những giải pháp quan trọng nhất.

Đẩy mạnh và đổi mới công tác giáo dục - đào tạo, coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đây là điều kiện để hình thành và phát triển các thế hệ con người Việt Nam khỏe về thể chất, trong sáng về tâm hồn, có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con người là vốn quý nhất nên với những định hướng về vị trí, vai trò của nhân tố con người, đạo đức cách mạng trong sáng, có ý thức rõ ràng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì những chuẩn giá trị đó là động lực quan trọng thúc đẩy con người Việt Nam chiến đấu, lao động, học tập và sáng tạo, đem lại những thắng lợi đáng tự hào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, phát huy dân chủ.

Có thể nói rằng, “thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Chính vì vậy, phát huy tốt dân chủ là điều kiện để phát huy nhân tố con người ở nước ta hiện nay.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và việc bảo đảm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay không chỉ được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng mà còn được thể chế hóa và bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Nhà nước có cơ chế và các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; đồng thời, phát huy vai trò là chủ, làm chủ của nhân dân. Nhân dân có quyền học tập, lao động sáng tạo, quyền cống hiến, quyền phát huy vai trò của chính mình.

Bốn là, quan tâm thực hiện tốt chính sách xã hội để tạo điều kiện phát huy nhân tố con người.

Chính sách xã hội bao trùm trên mọi mặt của đời sống con người, như: Điều kiện lao động, sinh hoạt, giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe… và luôn gắn chặt, phụ thuộc rất lớn vào quá trình phát triển kinh tế, bản chất chính trị - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính sách xã hội và quyền con người có mối quan hệ chặt chẽ. Thực hiện tốt chính sách xã hội là một trong những bảo đảm quan trọng về quyền con người ở nước ta. Bởi, quyền con người luôn gắn bó mật thiết với các quyền cơ bản của dân tộc, với quyền công dân; phụ thuộc vào các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa, dân tộc. Đảng ta xác định: Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả mọi người; tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết tham gia. Thông qua chính sách xã hội mà quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bảo đảm ngày càng đầy đủ, hoàn thiện hơn, góp phần tạo động lực to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Cùng với quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Nhà nước ta đã nhận thức ngày càng cụ thể, đầy đủ hơn tầm quan trọng, mục tiêu và nội dung của việc giải quyết vấn đề xã hội, đặc biệt là an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm toàn diện và tốt hơn quyền con người; khẳng định mục tiêu chính sách xã hội là nhằm xây dựng và phát triển con người, đem lại cuộc sống hạnh phúc cho con người, góp phần lành mạnh hóa xã hội và phát triển bền vững đất nước.

Năm là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng, rèn luyện Đảng ta thành một đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong mối liên hệ khăng khít với nhân dân là mảng công tác rất quan trọng. Hiện nay, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được trong những năm đổi mới thì nước ta cũng còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đặc biệt, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, kể cả một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước… Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các thế lực thù địch, phản động tăng cường thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”chống phá cách mạng nước ta bằng các thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng internet để chống phá. Trước tình hình đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 24/2/2012 về việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) còn là giải pháp để tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa; làm trong sạch bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là “công bộc của nhân dân”. Vì vậy, sau khi Trung ương ban hành nghị quyết đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của nhân dân; được nhân dân đồng tình ủng hộ và mong đợi công tác xây dựng Đảng nói chung, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng đạt được những kết quả tích cực. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Phải đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; phải đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân; có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực, đạo đức và lối sống… là nhiệm vụ then chốt và cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp đổi mới hiện nay.

Phát huy nhân tố con người, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của con người trong nhận thức và hành động, cần chăm lo tạo ra những điều kiện tốt nhất để mỗi người (và mỗi cộng đồng người) có thể thể hiện tối đa năng lực của mình trong lao động, trong hoạt động sáng tạo. Vấn đề con người và phát huy nhân tố con người là nội dung quan trọng, luôn được Đảng đề cập tới trong nhiều kỳ đại hội, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước, với phương châm đổi mới xuất phát từ con người và vì con người, con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm vừa là mục tiêu của sự nghiệp đổi mới.

Tác giả: Nguyễn Hữu Cát, PGS.TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Bùi Thị Diệp, Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

Lịch trực Dịp tết Dương lịch năm 2021

Lịch trực Dịp tết Dương lịch năm 2021

Thời gian đăng: 30/12/2020

thông báo về DMKT thực hiện tại TTYT Đắk Glong

thông báo về DMKT thực hiện tại TTYT Đắk Glong

Thời gian đăng: 20/10/2020

THÔNG BÁO VIỆC NHẬN ĐẶT LỊCH KHÁM QUA ĐIỆN THOẠI

THÔNG BÁO VIỆC NHẬN ĐẶT LỊCH KHÁM QUA ĐIỆN THOẠI

Thời gian đăng: 17/12/2020

Số 223/QĐ-TTYT Quyết định V/v sử dụn

Số 223/QĐ-TTYT Quyết định V/v sử dụng Thùng xông hơi chân bằng máy

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 82/TB-TTYT Thông báo V/v Sử dụng

Số 82/TB-TTYT Thông báo V/v Sử dụng xông hơi chân

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 297/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đán

Số 297/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá công tác cải tiến chất lượng 09 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 30/09/2019

163/BC-TTYT

Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá công tác cải tiến chất lượng 06 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 04/07/2019

Số 163/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đán

Số 163/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá công tác cải tiến chất lượng 06 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 3385/BYT-KH-TC

Số 3385/BYT-KH-TC về việc thanh toán chi phí KBCB BHYT theo giá dịch vụ y tế

Thời gian đăng: 05/07/2019

Số 09/2019/TT-BYT

Số 09/2019/TT-BYT Thông tư hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thời gian đăng: 05/07/2019

Thống kê
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay709
  • Tháng hiện tại56,164
  • Tổng lượt truy cập1,104,956
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây