Bác sĩ bị hành hung: Ai cũng là nạn nhân

Thứ tư - 23/05/2018 04:13
Bác sĩ bị hành hung: Ai cũng là nạn nhân
Bác sĩ bị hành hung: Ai cũng là nạn nhân
Trước những thông tin về đồng nghiệp đang bị người thân của bệnh nhân hành hung, nhiều bác sĩ vẫn tin rằng việc đối đầu với bệnh nhân chỉ làm sự việc thêm 'tồi tệ và đau lòng'.

3h sáng tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, bữa tối của kíp trực được chuẩn bị từ khoảng 8 tiếng trước phần lớn còn nguyên.

Những suất cơm nguội ngắt đựng trong hộp xốp, nhiều ổ bánh mì nằm gọn trong bịch nylon treo lủng lẳng trên các cánh cửa tủ, vài hộp sữa cắm sẵn ống hút trên bàn trực ban. Chưa có bác sĩ, y tá nào ngừng tay ăn uống. Nhiều người tranh thủ lúc rảnh tay cúi xuống uống ngụm sữa, rồi lại cắm cúi ghi chép.

Đã nửa đêm, bệnh nhân bắt đầu giảm, nhưng các ca được đưa tới đều nguy cấp. Thỉnh thoảng, tiếng còi xe cấp cứu lại hú vang dội, mang theo băng ca đầy máu, những mạng người đang bấp bênh trong giờ phút sinh tử, hay tiếng khóc thổn thức nức nở của người nhà bệnh nhân.

Là bệnh viện tuyến cuối cùng của Bộ Y tế tại phía Nam, phần lớn ca bệnh tới đây đều là những trường hợp nặng. Nhiều người gần như vô thức, có người rơi vào mê man, không ít người đã tím tái, không còn mạch, sự sống chỉ còn tính bằng giây.

Các nhân viên y tế nếu không phải chẩn đoán, chữa trị hay mổ cấp cứu thì xử lý giấy tờ, nhập hồ sơ bệnh án, phân loại đưa bệnh nhân về các chuyên khoa. Mọi hoạt động phải tiến hành thật nhanh, nếu không bệnh nhân cấp cứu mới tới sẽ không có chỗ nằm.

“Không biết bệnh nhân sẽ đến vào lúc nào. Lắm đêm tai nạn xảy ra, một tốp được chuyển đến rất đông, kíp trực không nhanh tay là quá tải ngay”, bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, nói với Zing.vn.

Tiếng gõ máy tính, giở giấy tờ, thì thầm hội chẩn, ra lệnh của các bác sĩ … vang lên khắp nơi. Các giường bệnh nằm san sát, chỉ chừa ra một lối đi duy nhất để di chuyển bệnh nhân. Cứ một ca bệnh được chuyển về chuyên khoa là một băng ca khác từ phòng chờ được đưa vào. Không có khoảng trống nào bị lãng phí.

12h đêm tại khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy Nửa đêm, khoa cấp cứu tại bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y Tế tại phía Nam vẫn có rất đông ca bệnh được chuyển tới.

Khi Zing.vn ngỏ ý muốn trải qua một đêm tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ ở đây gợi ý hãy tới từ 18h, vì đó là thời điểm khoa tiếp đón nhiều bệnh nhân nhất: Các ca bệnh chuyển từ tuyến dưới lên, các bệnh nhân nguy cấp chuyển từ viện khác tới, các trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng…

Một tối cuối tháng 4, từ khoảng 18h-4h sáng, khoa Cấp cứu mở cửa đón trên dưới 150 lượt xe cứu thương. Tuy nhiên, đây không phải là con số của ngày cao điểm. Theo chia sẻ, có những thời điểm các bác sĩ nơi đây đón tới 400 bệnh nhân/ngày, thường rơi vào cuối tuần, ngày lễ Tết, hoặc những hôm có sự kiện đặc biệt, như đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng.

Theo số liệu được cung cấp, trong thời gian này, có hai kíp bác sĩ trực, khoảng 15 người. Thêm nhân viên y tế, đoàn thanh niên hỗ trợ, tổng cộng 35 người chia nhau vận hành các bước hỗ trợ và can thiệp ban đầu tới người bị nạn, thương tích, bệnh cấp tính. Nhiệm vụ khẩn cấp của ê kíp là cứu sống nạn nhân hoặc ngăn không cho tình trạng bệnh nhân xấu đi trước khi họ được chuyển tới các bác sĩ chuyên khoa.

Phòng chờ của khoa Cấp cứu, nơi bệnh nhân được đưa tới đầu tiên, chỉ rộng khoảng 35 m2. Mùi thuốc khử trùng, mùi người, mùi máu, mùi riêng của bệnh viện, thậm chí cả mùi chất thải hòa quyện vào nhau.

Tiếng rên rỉ vì đau đớn của bệnh nhân, tiếng than khóc của người nhà, tiếng cút kít từ bánh xe băng ca ma sát xuống nền gạch đá, tiếng y bác sĩ gọi hỗ trợ, tiếng máy móc dồn dập… là những âm thanh quen thuộc nơi đây.

Các nhân viên y tế bên cạnh việc chăm sóc, phân loại bệnh nhân còn phải liên tục trấn an người nhà, mời họ ra ngoài để bác sĩ làm việc. Ê kíp trực ngoài công tác chuyên môn còn phải kiêm thêm nhiệm vụ trấn an tâm lý người nhà bệnh nhân. Cả khoa chỉ có khoảng 4-5 nhân viên bảo vệ. Họ không đủ đông để ngăn người nhà cứ chực lao vào theo những chiếc băng ca.

Trong khi guồng máy tại khoa Cấp cứu liên tục quay như vậy, đối với các nhân viên y tế, việc hàng loạt sự vụ người nhà bệnh nhân tấn công y tá, bác sĩ đang diễn ra với tần suất ngày một nghiêm trọng hơn lại trở thành một phần tất yếu.

“Gần như ngày nào cũng có xung đột căng thẳng giữa người nhà bệnh nhân với các nhân viên y tế. Có khi chỉ trách móc, nhưng lắm lúc họ la mắng, chửi thề. Nhiều trường hợp kinh khủng hơn thì sẵn sàng đe dọa, tấn công bác sĩ”, bác sĩ Ngô Lê Đại nói với Zing.vn trong vài phút ngơi tay hiếm hoi.

Bác sĩ Đại kể mới 2 ngày trước, một người chồng đưa vợ nghi bị sỏi thận vào cấp cứu. Khi các y bác sĩ đang chẩn đoán, người này liên tục chửi mắng, to tiếng. Khoa phải viện đến lực lượng bảo vệ. Người này sau khi được mời ra khỏi phạm vi của khoa vẫn chửi bới vọng từ bên ngoài vào.

“Nhưng không vì người nhà làm sai mà chúng tôi bỏ mặc bệnh nhân của mình”, bác sĩ Đại nói, rồi nhanh chóng quay trở lại xử lý gần 30 băng ca cấp cứu đang chờ.

Nói về việc các nhân viên y tế thường không lên tiếng khi mình bị bạo hành, bác sĩ Lê Hồng Nhân, Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), giải thích trừ những trường hợp vượt quá giới hạn, không ai muốn nói về việc bị hành hung bởi chính những người mình đang cứu chữa hoặc người nhà của họ.

“Thậm chí, nhiều bác sĩ đã coi những sự cố như thế trở thành một phần của công việc và không cảm thấy lạ nữa. Dù bất an, nhưng họ bắt buộc phải chung sống với nó”, bác sĩ Nhân nói.

Khoảng 23h ngày 13/4, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhi hơn 7 tuổi có vết thương chảy máu ở vùng thái dương, được người thân đưa vào. Trong lúc bác sĩ trực là Hồng Chiến ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người nhà bé trai hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt khiến bác sĩ Chiến không kịp phản ứng.

Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, định tấn công. Chỉ khi lực lượng bảo vệ và Công an phường Điện Biên có mặt, người này mới chịu dừng. Bệnh nhi sau đó được khâu vùng thái dương bị thương và điều trị kịp thời.

Vụ việc đã gây chấn động dư luận cả nước. Và đây đã là vụ hành hung bác sĩ thứ 6 chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018.

Tối ngày 19/5, khi tiếp nhận ca trực trong phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa TP Pleiku, bác sĩ Nguyễn Đăng Hà bị mẹ của một bệnh nhi chửi bới. Trước đó, người mẹ này yêu cầu bác sĩ Hà khám bệnh cho con mình. Do bệnh viện đang có nhiều bệnh nhân, bác sĩ Hà giải thích và yêu cầu chờ. Sau đó, bác sĩ Hà đi qua phòng khác để khám bệnh.

Đến khoảng 9h cùng ngày, khi quay trở lại phòng cấp cứu, bác sĩ Hà bị bố của bệnh nhi lao vào hành hung. Người đàn ông này liên tục tát vào mặt và đạp vào mạng sườn bác sĩ Hà. Chỉ khi người dân chứng kiến xông vào can ngăn, đối tượng trên mới dừng lại và đưa mẹ con bệnh nhi ra về.

Ngày 8/4, bác sĩ Nguyễn Đình Phi ở khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh và sinh viên thực tập Trần Nhật Giáp bị bố bệnh nhi đánh ngay trong quá trình thăm khám cho trẻ. Bác sĩ Phi bị chấn thương vùng mũi, sinh viên Giáp bất tỉnh.

Ngày 31/3, Bệnh viện đa khoa Bắc Cạn tiếp nhận nữ bệnh nhân 35 tuổi. Khi đang được điều trị thì bệnh nhân than bị đau và tê tay. Chồng bệnh nhân đã đi theo bác sĩ và điều dưỡng, sau đó bất ngờ dúi đầu họ vào tường.

Ngày 25/2, một nhóm 5 người chửi bới, đuổi đánh các nhân viên y tế, đập vỡ cửa kính ở Bệnh viện đa khoa Bố Trạch, Quảng Bình, sau khi bệnh viện này tiếp nhận hai nạn nhân bị chấn thương nặng sau tai nạn giao thông. Hai nạn nhân này được các bác sĩ cấp cứu ngay nhưng đã tử vong.

Ngày 20/2, hai bác sĩ Phạm Hải Ninh và Hoàng Đức Trung ở Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái bị chồng sản phụ đánh. Lý do sau đó được cho biết người chồng sản phụ khi leo lên tường để chụp ảnh ca mổ đã bị ra hiệu ngăn lại. Một trong hai bác sĩ bị rách da đầu, khâu 20 mũi.

Theo thống kê của Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, từ năm 2010 đến 2017, các vụ việc bạo hành chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện; đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%).

Liên tục những vụ việc hành hung bác sĩ xảy ra đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn nạn đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế không được đảm bảo an ninh, an toàn trong chính môi trường làm việc của mình.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các Đại biểu Quốc hội đã liên tục kêu gọi các biện pháp cải thiện tình hình, trong đó bao gồm việc cắm chốt cảnh sát tại các bệnh viện và dạy võ cho các y bác sĩ để họ có thể tự vệ trước những người nhà bệnh nhân quá khích.

Tác giả: Ngân Giang - Hoài Thanh - An Điền

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản mới

Lịch trực Dịp tết Dương lịch năm 2021

Lịch trực Dịp tết Dương lịch năm 2021

Thời gian đăng: 30/12/2020

thông báo về DMKT thực hiện tại TTYT Đắk Glong

thông báo về DMKT thực hiện tại TTYT Đắk Glong

Thời gian đăng: 20/10/2020

THÔNG BÁO VIỆC NHẬN ĐẶT LỊCH KHÁM QUA ĐIỆN THOẠI

THÔNG BÁO VIỆC NHẬN ĐẶT LỊCH KHÁM QUA ĐIỆN THOẠI

Thời gian đăng: 17/12/2020

Số 223/QĐ-TTYT Quyết định V/v sử dụn

Số 223/QĐ-TTYT Quyết định V/v sử dụng Thùng xông hơi chân bằng máy

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 82/TB-TTYT Thông báo V/v Sử dụng

Số 82/TB-TTYT Thông báo V/v Sử dụng xông hơi chân

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 297/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đán

Số 297/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá công tác cải tiến chất lượng 09 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 30/09/2019

163/BC-TTYT

Báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá công tác cải tiến chất lượng 06 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 04/07/2019

Số 163/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đán

Số 163/BC-TTYT Báo cáo kết quả kiểm tra đánh giá công tác cải tiến chất lượng 06 tháng đầu năm 2019

Thời gian đăng: 30/09/2019

Số 3385/BYT-KH-TC

Số 3385/BYT-KH-TC về việc thanh toán chi phí KBCB BHYT theo giá dịch vụ y tế

Thời gian đăng: 05/07/2019

Số 09/2019/TT-BYT

Số 09/2019/TT-BYT Thông tư hướng dẫn thẩm định điều kiện ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển thực hiện dịch vụ cận lâm sàng và một số trường hợp thanh toán trực tiếp chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thời gian đăng: 05/07/2019

Thống kê
  • Đang truy cập61
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm60
  • Hôm nay890
  • Tháng hiện tại39,425
  • Tổng lượt truy cập1,582,435
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây