Từ vị trí cuối bảng xếp hạng BV tuyến cơ sở trên toàn tỉnh Đắk Nông khi 54 nhân viên y tế chỉ phục vụ 8 bệnh nhân nội trú/ngày, trong 2 năm nay, BVĐK Đắk Glong đã “lội ngược dòng” vươn lên đầu bảng, khi thu hút hàng trăm bệnh nhân nội trú/ngày và hơn 18.000 lượt KCB BHYT/năm. Điều gì đã khiến cơ sở y tế vùng xa, vùng sâu này “thay da đổi thịt”?
Từ “trạm trung chuyển y tế”…
Bà Nguyễn Thị Hiếu (sinh năm 1937, trú buôn Ka La Dương, xã Quảng Khê) nhập BV huyện Đắk Glong cấp cứu trong tình trạng huyết áp tăng cao bất thường. Tại đây, sau khi hóa giải tình trạng nguy kịch và ổn định sức khỏe, bà Hiếu được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có siêu âm màu về tim, mạch để đánh giá các biến chứng gây tình trạng cao huyết áp. Trước đó chỉ khoảng một tuần, nếu bà Hiếu nhập viện cấp cứu thì sau quá trình sơ cấp cứu, BV này buộc phải chuyển tuyến trên, do không có thiết bị siêu âm màu.
BV huyện Đắk Glong đã thay đổi mạnh mẽ
Giờ đây, BV huyện Đắk Glong là cơ sở y tế tuyến huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có thiết bị siêu âm màu- do BV quận 2 (TP.HCM) tặng ngày 8/6. Trong tuần đầu tiên vận hành, mỗi ngày có 3- 5 ca siêu âm màu tim, mạch. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi tuần có khoảng 21- 35 bệnh nhân được điều trị tại chỗ, không phải chuyển tuyến xa xôi, tốn kém, lại gây quá tải tuyến trên.
Từ cuối năm 2015 trở về trước, BV huyện Đắk Glong cũng lâm cảnh “trạm trung chuyển y tế” khi phải chuyển tuyến khoảng 15.000 lượt KCB BHYT/năm. Trong khoảng thời gian ấy, người dân Đắk Glong (cách BV tỉnh khoảng 30 km) chẳng lạ gì cảnh đến khám các bệnh lý thông thường về mắt cũng phải chuyển tuyến, phụ nữ chuyển dạ sinh con khó một chút cũng chuyển tuyến... Việc chuyển tuyến nhiều đến độ 54 nhân viên y tế tại đây chỉ phục vụ 8 bệnh nhân nội trú/ngày.
Trong bảng xếp hạng của ngành y tế Đắk Nông, BV Đắk Glong luôn “ổn định vị trí cuối” nhiều năm liền. Cái khó của y tế Đắk Glong nằm ở chỗ, vừa thuộc vùng xa xôi, khó khăn vừa non trẻ về tuổi đời (thành lập năm 2005 cùng với việc thành lập địa giới hành chính huyện); mãi đến năm 2010 cơ sở vật chất của BV mới hoàn tất và đưa vào hoạt động. Trong khi đó, cả huyện có hơn 55.000 người dân thuộc 27 dân tộc anh em sinh sống dưới tán núi Tà Đùng cao gần 2.000 m, nên khó càng thêm khó.
…đến BV tuyến huyện “ngon lành nhất”
Đó là chia sẻ của BS.Huỳnh Thanh Huynh- Giám đốc BV Đắk Glong, người đã cùng tập thể cán bộ, nhân viên y tế nơi đây quyết chí “thay da đổi thịt” cơ sở y tế khó khăn này. Với 98% nhân viên dưới 30 tuổi đầy nhiệt huyết, nhưng góc nhìn về nghề y và chuyên môn đều chưa tròn trịa, nên từ năm 2016, BS.Huynh đã phải lập chiến lược “mở rộng tầm nhìn” bằng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn. Trong đó, có việc tham quan, học tập mô hình và hợp tác phát triển với BV quận 2 (TP.HCM).
“Chính BV quận 2 đã giúp chúng tôi tiếp cận tư duy quản lý, vận hành BV rất mới. Ngoài ra, góc nhìn của chúng tôi về vấn đề cung ứng dịch vụ phi lâm sàng như công tác xã hội, chăm sóc khách hàng… cũng thay đổi rất nhiều, nên tinh thần và thái độ phục vụ đổi mới triệt để. Vì vậy, trong 2 năm qua, bệnh nhân, thân nhân khi đến đây đều hài lòng”- BS.Huynh cho biết.
Ở BV Đắk Glong, sự thay da đổi thịt không chỉ ở dịch vụ phi lâm sàng mà cả lĩnh vực lâm sàng (điều trị) và cận lâm sàng (chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng) đều tiến bộ vượt bậc. Đơn cử, đã thực hiện hoàn chỉnh 5 dịch vụ kỹ thuật mới như: Mổ bắt con, phẫu thuật những vết thương phức tạp, hồi sức cấp cứu ngưng tuần hoàn, mổ ruột thừa viêm, gây mê hồi sức với kỹ thuật gây tê tủy sống. Tính đến hết năm 2017, BV đã KCB BHYT hơn 18.000 lượt ngoại trú, điều trị nội trú gần 3.500 lượt, chuyển tuyến chỉ còn 900 lượt so với 1.900 lượt hồi cuối năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm nay chỉ có chưa đến 400 lượt chuyển tuyến.
“Phía BV quận 2 đã giúp đơn vị mình rất nhiều, như chỉ ra những điểm khuyết và cách thức xử lý khiếm khuyết ấy. BV quận 2 còn cử cán bộ hỗ trợ, chuyển giao nhiều kỹ thuật. Cứ mỗi tuần, ban lãnh đạo 2 BV lại trực tuyến sẻ chia, kể cả những vấn đề chuyên môn kỹ thuật”- BS.Huynh cho biết thêm.
Được biết, thiết bị siêu âm màu mà BV Đắk Glong vừa nhận từ BV quận 2 có giá thị trường khoảng 700 triệu đồng, không chỉ giúp cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa này “ngon lành” nhất hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông về dịch vụ cận lâm sàng, mà còn là minh chứng sống động cho sự sẻ chia của y tế tuyến huyện trong nỗ lực phục vụ công tác KCB BHYT. “Nỗ lực làm hài lòng người dân đôi khi còn khó hơn chinh phục núi Tà Đùng. Nếu không có sự tương trợ thiết thực của BV quận 2, nỗ lực của chúng tôi khó đạt kết quả sớm như hôm nay”- BS.Huynh trải lòng.
“Cùng là BV tuyến quận/huyện, cùng vai trò phục vụ KCB BHYT ban đầu, nên trong khả năng của mình, chúng tôi sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ. Mặt khác, bản thân chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự tương trợ từ các BV tuyến chuyên sâu, từ các trường ĐH liên quan đến ngành y… Vậy nên, san sẻ để phục vụ người dân tốt hơn luôn là chuyện cần làm…”- BS.Trần Văn Khanh- Giám đốc BV quận 2 trải lòng với PV Báo BHXH về vấn đề hỗ trợ BV huyện Đắk Glong.
Tác giả: Hoàng Long
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn