Bởi y tế tuyến cơ sở không chỉ giúp người mắc các BKLN được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm được chi phí trong quá trình điều trị bệnh, mà còn giúp hệ thống này nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đồng thời tạo thêm niềm tin và uy tín đối với người dân trên địa bàn.
Mấy năm nay, chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), đều định kỳ hằng tháng đến Trạm y tế xã (TYT) Tượng Sơn kiểm tra và lấy thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp về điều trị ngoại trú. Chia sẻ với chúng tôi, chị Tuyết cho biết, nếu như trước đây khi TYT xã chưa triển khai việc khám và cấp thuốc định kỳ, mỗi tháng chị phải đi hơn 10 km lên bệnh viện tỉnh khám và lấy thuốc. Mỗi lần như vậy thường mất cả buổi và đi lại rất tốn kém, vì thế, việc lấy thuốc không được đều đặn. Tuy nhiên, kể từ khi TYT xã thực hiện việc khám, cấp thuốc điều trị tăng huyết áp, chị thấy rất thuận lợi cho người bệnh. Khi mệt mỏi, chị có thể ra ngay TYT thăm khám. Điều làm chị Tuyết vui nhất là đến trạm dù sớm, hay khuya, chị luôn nhận được sự chăm sóc tận tình, vui vẻ của cán bộ y tế. Nhờ được khám, cấp thuốc định kỳ đều đặn, sức khỏe của chị giờ đã khá hơn rất nhiều, có điều kiện để chăm lo cho gia đình. Trạm trưởng TYT xã Tượng Sơn, bác sĩ Hoàng Trọng Hiếu cho biết, hiện TYT xã đang quản lý 360 người bệnh mắc các BKLN, chủ yếu là tăng huyết áp, đái tháo đường…
Riêng bệnh tăng huyết áp, trạm quản lý và cấp thuốc cho 280 người bệnh. Việc triển khai quản lý các BKLN tại TYT, không chỉ giúp cho người bệnh giảm chi phí trong quá trình điều trị mà còn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, uy tín và niềm tin của người dân trên địa bàn đối với TYT XÃ.
Theo Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê: Việt Nam, đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng số người mắc các BKLN, trong đó có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp; ba triệu người đái tháo đường. Tuy nhiên, số người được chẩn đoán bệnh đái tháo đường trong độ tuổi từ 18 đến 69 tuổi mới đạt 31,1% và tăng huyết áp là 43,1%. Trong khi đó, số người được quản lý tại tuyến y tế cơ sở đối với bệnh đái tháo đường mới đạt 28,9%; bệnh tăng huyết áp là 13,6%, mặc dù có đến 70% số người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện là mắc các BKLN.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do tuyến y tế cơ sở, nhất là ở hầu hết các TYT xã, phường chưa cung cấp đầy đủ, toàn diện các dịch vụ như: phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý duy trì, tư vấn, truyền thông cho các BKLN như: chỉ quản lý số lượng người bệnh, không kê đơn điều trị, hoặc chỉ điều trị duy trì, không kê đơn lần đầu. Chất lượng dịch vụ còn hạn chế do thiếu nhân lực; thiếu thuốc thiết yếu, nhất là thuốc điều trị đái tháo đường có nơi không có, thuốc điều trị huyết áp chỉ có từ một đến hai loại thuốc. Quy định về bảo hiểm y tế chưa đồng bộ giữa việc chi trả đối với người bệnh mắc BKLN, cơ chế tài chính chưa khuyến khích, hỗ trợ cho hoạt động này ở tuyến xã; năng lực chuyên môn của cán bộ y tế dự phòng tuyến quận, huyện vẫn còn những hạn chế nhất định...
Nhằm từng bước nâng cao vai trò của mạng lưới y tế cơ sở, cũng như quản lý tốt người mắc các BKLN. Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 95% và đến năm 2030 có tất cả các TYT xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số BKLN...
Chiến lược quốc gia phòng chống BKLN giai đoạn 2015 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu cụ thể: các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh dự phòng, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu để hạn chế yếu tố nguy cơ; tăng tỷ lệ và quản lý điều trị các BKLN, chăm sóc người bệnh làm trung tâm…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các TYT xã, phường cho giai đoạn từ năm 2018 đến 2020; ban hành kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các BKLN khác giai đoạn 2018 - 2025...
Việc trước mắt của ngành y tế hiện nay là cần tận dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có tại các TYT xã, phường trong phát hiện, chẩn đoán, quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường không có biến chứng, nhất là đối với các người bệnh được tuyến trên chuyển về. Tiếp tục tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cho TYT với sự hỗ trợ của tuyến trên, đây được coi là đòn bẩy quan trọng giúp cho các TYT tăng cường chuyên môn, thu hút, tăng niềm tin của người bệnh đối với TYT xã. Triển khai và phát triển y học gia đình, nhất là triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống BKLN trong đó chú trọng đến công tác dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật; đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các BKLN, bệnh mạn tính và chăm sóc sức khỏe dài hạn tại y tế tuyến cơ sở…
HUY SƠN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn