Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi thăm bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Chợ RẫyBộ trưởng cho biết, đổi mới bệnh viện phải đi từ chất lượng quản lý, thái độ phục vụ người bệnh đến dinh dưỡng cho người bệnh, nhân lực bệnh viện. Trong đó, chất lượng khám chữa bệnh phải hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt phải giảm thủ tục phiền hà, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, giảm tải.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM cho biết, bệnh viện hiện đang quá tải khu vực khám ngoại trú với trung bình 8.000 – 8.500 lượt khám/ngày. Tại cơ sở 1 của bệnh viện chỉ có 900 giường nội trú nhưng trung bình có khoảng 220 người nhập viện nội trú mỗi ngày. Bệnh viện không để bệnh nhân nằm ghép nên mỗi ngày có 60 ca phải chờ giường, công suất giường bệnh lên đến 104%.
Bệnh viện cũng đã cố gắng áp dụng các biện pháp giảm tải đối với khám bệnh ngoại trú như tư vấn, đăng ký khám bệnh và lấy máu xét nghiệm từ 3h sáng cho những bệnh nhân đến sớm; đăng ký khám bệnh online; tích hợp đăng ký khám bệnh 4 trong 1 qua thẻ ngân hàng (thẻ ngân hàng tích hợp khám bệnh, thanh toán viện phí qua thẻ, rút ngắn các quy trình tại quầy thu ngân, không phải giao dịch bằng tiền mặt); khám bệnh thông tầm (không nghỉ trưa); có bộ phận thư ký y khoa để bác sĩ có toàn thời gian cho người bệnh; các xét nghiệm đưa vào hệ thống CNTT, người bệnh không phải đi nhiều nơi để lấy kết quả…
Bệnh viện đã triển khai thêm phòng đệm 8 giường tại khoa chấn thương chỉnh hình, tăng cường sàng lọc, luân chuyển bệnh giảm tải cho khoa cấp cứu; cải tiến quy trình phòng mổ và kiểm soát mổ trễ, duyệt mổ 2 lần trong ngày…
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện cho biết, là bệnh viện tuyến cuối nên Bệnh viện Chợ Rẫy luôn trong tình trạng quá tải. Trung bình mỗi ngày có 5.480 lượt khám, 316 lượt cấp cứu, 2.633 bệnh nhân điều trị nội trú.
Do luôn trong tình trạng quá tải nên bệnh viện đã cố gắng hợp tác với một số bệnh viện khác trong thành phố như Bệnh viện Bộ Công an, Bệnh viện Bưu điện, một số bệnh viện tư nhân và bệnh viện quận huyện để chuyển bệnh nhân qua đó điều trị nội trú cũng như khám ngoại trú. 6 tháng đầu năm 2018, bệnh viện đã chuyển được gần 7.000 bệnh nhân điều trị nội trú và khoảng 500 bệnh nhân ngoại trú/ngày tại các bệnh viện hợp tác.
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã xây dựng đơn nguyên của bệnh viện tại Bệnh viện Bưu điện, khám được hơn 2.000 lượt bệnh nhân.
Nhận định về tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ thực tế kiểm tra hai bệnh viện sáng nay cho thấy, có rất nhiều bệnh nhân từ Khánh Hòa, Kiên Giang, Bến Tre lên tận đây chỉ để khám những bệnh mãn tính hoặc tái khám, những việc mà bệnh viện tuyến dưới có thể thực hiện tại chỗ được.
Vì thế, cần phải có quy định những kỹ thuật gì, những loại bệnh gì bắt buộc phải thực hiện ở bệnh viện tuyến dưới, chuyển bớt những bệnh nhân ngoại trú và nội trú nhẹ về tuyến dưới để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Mặt hạn chế của cả 2 bệnh viện được coi là lớn nhất của TPHCM chính là số bệnh nhân khám ngoại trú quá đông, thời gian chờ khám của bệnh nhân quá lâu, vẫn có nhiều bệnh nhân phải chờ đợi 4-5 tiếng vẫn chưa được khám.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây phải là cuộc cách mạng. Hai bệnh viện phải giảm bớt bệnh nhân ngoại trú xuống còn khoảng 4.000 lượt/ngày, không được để bệnh nhân nằm ghép. Để được như vậy, cần tăng cường phòng khám vệ tinh tại các bệnh viện quận huyện, kết hợp với một số bệnh viện, phòng khám tư nhân để giảm tải; kiên quyết không nhận bệnh nhân tái khám mà giao lại cho bệnh viện tuyến dưới; lọc bệnh ngay từ đầu và mổ trong ngày”.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giảm số bệnh nhân khám ngoại trú sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện, nhất là trong hoàn cảnh các bệnh viện đang phải tự chủ tài chính, nhưng đây là việc phải làm và làm quyết liệt. “Không có bệnh viện hạng đặc biệt hay chuẩn quốc tế nào mà bệnh nhân phải nằm ghép cả, vì thế dù khó nhưng các bệnh viện vẫn phải kiên quyết làm”, Bộ trưởng khẳng định.