Ngày 27/4 tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức cuộc họp góp ý ”Tài liệu hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam”, bao gồm 83 tiêu chí. Hơn 30 cán bộ là Trưởng phòng và nhân viên phòng Quản lý chất lượng bệnh viện các bệnh viện Trung ương khu vực phía Bắc và của Sở Y tế Hà Nội đã tham dự và góp ý sôi nổi.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Lương Ngọc Khuê Cục trưởng Cục quản lý Khám, khám chữa bệnh cho biết, Bộ 83 Tiêu chí chất lượng bệnh viện (CLBV) ra đời từ năm 2013 đến nay được gần 6 năm với phiên bản 2.0. Từ những khó khăn ban đầu trong việc tiếp cận, đến nay Bộ Tiêu chí CLBV đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của nhiều bệnh viện. Các tiêu chí được xây dựng theo hướng tiếp cận với những tiêu chí của các nước tiên tiến trên thế giới, phục vụ cho hệ thống khám, chữa bệnh hội nhập với y tế khu vực và trên thế giới.
Với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm cho các hoạt động cải tiến chất lượng, các bệnh viện đã cải tiến không ngừng để nâng cao chất lượng và gia tăng sự hài lòng của người bệnh. Hiện hoạt động cải tiến CLBV đã được ghi vào Nghị quyết 20/NQ-TW với nhiệm vụ ”Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện”. Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi sẽ không còn hạng bệnh viện, người bệnh có quyền lựa chọn bệnh viện, đặc biệt là những nơi có chất lượng tốt. Do vậy nếu các bệnh viện không thực hiện cải tiến CLBV sẽ không còn người bệnh.
Thay mặt những cán bộ xây dựng Bộ Tiêu chí CLBV, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã cảm ơn các chuyên gia về cải tiến CLBV đã đồng hành với hoạt động cải tiến CLBV trong thời gian qua. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, nhiều cán bộ CLBV đã hy sinh quyền lợi để làm công tác CLBV vì phải thuyết phục lãnh đạo và các khoa, phòng khám tham gia cải tiến CLBV, thậm chí đối mặt với các chỉ trích của nhiều người. Song dù không làm trực tiếp khám, chữa bệnh cho người bệnh nhưng những cải tiến CLBV do Phòng QLCL đề xuất có thể giúp cho hàng vạn người bệnh. Như việc cải tiến, sắp xếp người bệnh nam, nữ được nằm riêng phòng, hay có vách ngăn, tấm rèm che khi phải bộc lộ cơ thể để khám và điều trị hoặc tiêu chí phải có nhà cầu (nhà nối giữa các nhà) có mái che giữa các khu nhà cũng đã giúp cho hàng ngàn người bệnh hài lòng hơn rất nhiều, PGS.TS Khuê ví dụ.
Đối với những băn khoăn về những tiêu chí không thể đạt được mức 5 do cơ sở hạ tầng xây dựng với thiết kế cũ hay do nhân lực chưa đảm bảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, nếu bệnh viện cải tiến liên tục và có những giải pháp về chất lượng bệnh viện thì việc đạt từ mức 3-4 đã làm người bệnh hài lòng. Nhưng vẫn phải đặt ra ở mức 5 để các bệnh viện phải nỗ lực phấn đấu vì những mục tiêu chất lượng luôn thay đổi và vận động không ngừng.
Để việc đánh giá CLBV trở thành một hoạt động độc lập, chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu, Tài liệu hướng dẫn đánh giá Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam ra đời (dự kiến tháng 6/2018) sẽ là công cụ giúp các đánh giá viên đánh giá đúng, thực chất CLBV. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tổ chức cấp chứng chỉ cho các đánh giá viên CLBV và tiến tới đưa Bộ Tiêu chí đánh giá CLBV thành tài liệu đào tạo cho các sinh viên.
Tác giả: Lê Hảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn